Dành cho du khách

Nguồn gốc của Lễ hội Truyền thống Chử Đồng Tử - Tiên Dung Đền Hóa Dạ Trạch

(25/3/2020 07:44 UTC+7)
Dù ai đi đâu cũng luôn hướng về quê hương, cội nguồn của cha ông để lại. Bởi vậy, cứ đến 10/2 âm lịch những người con Hưng Yên xa xứ và du khách thập phương lại hồ hởi, nô nức về tham dự lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở Đền Hóa Dạ Trạch thuộc xã Dạ Trạch huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Tại lễ hội không những du khách được thoả mãn nhu cầu tâm linh mà còn đựơc hòa mình vào những nét đẹp văn hoá của lễ h

Lễ hội gắn với thiên tình sử lãng mạn của một trong "Tứ Bất Tử" của thần linh đất Việt, lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước gắn với huyền thoại đẹp về tình yêu bất tử giữa công chúa Tiên Dung (con gái Vua Hùng thứ 18) và chàng trai nghèo họ Chử. Câu chuyện là một bức tranh về đời sống văn hoá hết sức phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng Trung du Bắc Bộ trong việc khai phá đầm lầy, đồng thời là bài ca về lòng hiếu thảo, đề cao vai trò của người thầy thuốc, phản ảnh ước mơ bình dị của người dân trong xã hội phong kiến.

Theo nghi thức cổ truyền, trước khi vào lễ hội, ngày mồng 9/2 là lễ mở cửa đền - gọi là lễ Mục dục. Lễ hội được mở vào các ngày 10,11,12 /2 âm lịch gồm: nghi thức rước - nghĩa là rước kiệu ra sông Hồng lấy nước về để lễ Thánh cả năm, sau đó về cửa đền làm lễ khai hội, tế lễ, và các hoạt động văn hoá dân gian được diễn ra.


Nổi bật là đoàn rước kiệu với dòng người quần áo chỉnh tề, săc màu rực rỡ náo nức nối tiếp nhau như một thuyền rồng khổng lồ lướt sóng. Sông Hồng sớm thức giấc bởi tiếng trống chiêng giục giã, một hoặc hai con rồng vàng lộng lẫy uy nghi uốn lượn. Khuấy động đoàn rước là múa đánh bồng, những người đàn ông gỉa nữ váy thâm yếm nâu, khăn mỏ quạ, khoác trống cơm nhảy múa.

Đoàn rước tại lễ hội đền Hoá có bảy kiệu bao gồm: kiệu Long Đình, 3 cỗ kiệu hoành tráng trên là Long ngai của Thánh Chử - Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa. Điều đặc biệt, đền Hoá còn thờ linh vật của Tiên Ông ban cho Đức Thánh Chử đi cứu nhân độ thế và từ đó biến hoá thành lâu đài là cây gậy trúc và nón lá gọi là kiệu gậy - nón; Tiếp đến kiệu Thần cá là tượng cá chép hoá long gọi là Bế Ngư Thần Quan và diễn tích cá chép vượt vũ môn hóa rồng – một nghi lễ mang đậm bản sắc của cư dân nền nông nghiệp lúa nước cầu mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu; sau cùng là kiệu rước choé.


Lễ rước nước là một nghi thức tâm linh đặc sắc, biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của những cư dân sống với nền văn minh lúa nước ven sông Hồng. Nét đẹp ở lễ hội có ở trò chơi dân gian truyền thống như: đập nồi đập niêu, bịt mắt bắt dê, đi cầu kiều bắc qua hồ bán nguyệt, đánh đu, chọi gà, cờ người,...đã thu hút rất nhiều người chơi và cổ vũ. Bên cạnh đó là chương trình ca múa nhạc, tiêu biểu là nghệ thuật hát trống quân ở Dạ Trạch - là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, một hình thức hát giao duyên từ lâu của người Việt ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

Đến với lễ hội là tìm về nguồn cội, tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công với nước, với dân. Nét đẹp trong lễ hội Chử Đồng Tử được lưu truyền từ ngàn xưa đến ngày hôm nay và nó sẽ mãi bất tử.
Ngày hội đang đến gần, du khách thập phương hãy đến với lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở Đền Hoá Dạ Trạch để cùng hoà mình với không gian linh thiêng và khám phá những giá trị đặc sắc trong phong tục, tập quán của con người, vùng đất nơi đây.

Đĩ đánh bồng tại lễ hội Đền hóa Dạ Trạch


Văn TỉnhTheo Nguyễn Huệ